TIỂU SỬ VÀ LỊCH SỬ
Thông tin về cuộc đời và thành tựu của các bậc đại sư Tây Tạng thời xưa có thể được lấy từ hai nguồn chính. Một mặt, chúng ta có thể dựa vào các bản tiểu sử truyền thống, mà như tên gọi tiếng Tây Tạng của chúng là namthar cho thấy, chúng luôn mang tính chất hagiography, tức là tiểu sử tôn vinh thánh nhân. Mặt khác, nhờ phân tích các tư liệu lịch sử, so sánh các tài liệu và các nghiên cứu theo nguyên tắc khoa học, chúng ta có thể cố gắng xây dựng một bức tranh rõ ràng về bối cảnh xã hội, tôn giáo, tri thức, và chính trị, nơi cuộc sống của một cá nhân cụ thể diễn ra và từ đó đánh giá thành tựu của họ trong bối cảnh của thời đại.
Cả hai cách tiếp cận đều có những ưu điểm và nhược điểm. Thứ nhất, namthar của Tây Tạng, giống như các hagiography trong các truyền thống tôn giáo khác, được viết để truyền cảm hứng và tạo ấn tượng, và trong mục đích này, chúng thường thành công. Chúng thường tràn ngập những câu chuyện về các thành tựu phi thường, đi kèm với các sự kiện kỳ diệu, thậm chí là thần diệu. Các chi tiết lịch sử thuần túy, nếu không bị lược bỏ, thường được đưa vào vị trí phụ và khó kiểm chứng. Tiểu sử truyền thống của Longchenpa cũng không ngoại lệ. Chúng đầy ắp những câu chuyện phi thường minh chứng cho trí tuệ, sự kiên định và sự thành tựu cao siêu của ngài. Cuộc đời ngài được đánh dấu bằng những thị kiến về các bổn tôn cùng những giáo lý và lời tiên tri mà ngài nhận được từ họ. Kinh nghiệm sống hàng ngày của ngài dường như thường xuyên có sự xuất hiện của những cuộc gặp gỡ siêu nhiên với các ḍākinī, các vị hộ pháp, và các thần linh địa phương, những thực thể đến để giúp đỡ ngài trong công việc, hoặc để thọ nhận giáo pháp—vừa tôn kính, vừa khuyên nhủ và nhắc nhở ngài. Những bản tường thuật về cuộc đời của Longchenpa hiện có trong bản dịch tiếng Anh đều đậm nét đặc trưng hagiographic này..⁴
Ít thấy hơn trong các bản tiểu sử này là những chi tiết lịch sử mang tính thế tục, nhưng với độc giả phương Tây lại có thể là các yếu tố thú vị, nếu không muốn nói là thiết yếu, giúp họ hiểu hơn về cuộc đời và công trình của Longchenpa. Chẳng hạn, vai trò của ngài trong việc phát triển một cách diễn giải đặc trưng của phái Nyingma về Trung Quán luận (Madhyamaka)—xét theo truyền thống, học vấn tại Sangphu, và thời đại lịch sử của ngài (nằm giữa thời điểm qua đời của Sakya Paṇḍita và sự xuất hiện của Tsongkhapa)—hoàn toàn bị bỏ qua trong các bản tiểu sử truyền thống. Tương tự, sự dính líu chính trị của ngài với Drikung Kunrin và Tai Situ Changchub Gyaltsen—một tai họa đã khiến ngài bị lưu đày, đồng thời mang lại phước lành cho người dân Bhutan (đây là lý do chính để nhắc đến sự kiện này)—chỉ được đề cập thoáng qua và thường bị kể lại một cách mơ hồ.
Với mục đích truyền cảm hứng của hagiography—nhằm khơi dậy lòng sùng kính và ước nguyện noi theo—có thể thấy rằng hiệu quả của dạng văn học này phụ thuộc phần lớn vào bối cảnh văn hóa. Do đó, độc giả phương Tây thường thấy các câu chuyện trong hagiography truyền thống dường như quá xa vời so với hiểu biết và kinh nghiệm thế giới của họ; dù họ có thể rung động và truyền cảm hứng bởi vẻ đẹp thơ mộng của những câu chuyện ấy, họ khó có thể chấp nhận chúng như các sự kiện lịch sử và trên thực tế thường bỏ qua chúng. Trong khi đó, người Tây Tạng, với một tầm nhìn khác về thế giới, không gặp khó khăn như vậy.
Ngược lại, khi nhờ vào nghiên cứu lịch sử, các nhân vật quan trọng được đặt vào bối cảnh xã hội, chính trị, và tôn giáo đã tác động đến họ, hình ảnh của họ hiện lên rõ ràng hơn và dễ được độc giả hiện đại tin tưởng hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những giả định mang tính duy vật của phương pháp lịch sử hiện đại thường xung đột sâu sắc với thế giới quan của Phật giáo Tây Tạng, vốn xưa cổ nhưng vẫn rất sống động. Sự từ chối khinh suất và đôi khi coi thường của các học giả phương Tây đối với các yếu tố quan trọng trong văn hóa tôn giáo Tây Tạng, cả xưa lẫn nay—như sự tồn tại của các thần hộ pháp và sự can thiệp của họ vào đời sống con người, hoặc việc che giấu và phát hiện các bảo tàng (terma), hay các kho tàng giáo pháp—và việc họ giảm thiểu những yếu tố này dựa trên các giả định triết học chưa được xem xét kỹ, tạo ra một rào cản loại trừ sự đồng cảm với văn hóa ấy, đồng thời cản trở sự tiếp nhận các giá trị tinh thần và phương pháp tu tập mà văn hóa ấy mang lại. Trong khi tạo ra vẻ khách quan, dạng học thuật này thường làm cho đối tượng nghiên cứu trở nên xa lạ, đặt nhà nghiên cứu bên ngoài truyền thống mà họ đang cố gắng giải thích.
Cần ghi nhớ rằng một độc giả hiện đại quen thuộc với văn hóa Hollywood hay Disneyland có thể mỉm cười trước hình ảnh Rahula và Ekajaṭī bận rộn chuẩn bị giấy mực cho Longchenpa, nhưng với người Tây Tạng, cả cổ xưa và hiện đại, những câu chuyện như vậy không phải là chuyện để cười. Họ coi những câu chuyện này là một phần trong thế giới quan tổng quát mà với họ, hoàn toàn khả tín. Sự tồn tại của các vị thần linh và khả năng tương tác với họ vẫn là một phần của đời sống thường nhật, như trường hợp của Nechung—một vị hộ pháp vẫn là một thể chế quan trọng trong cộng đồng lưu vong Tây Tạng.
Với những suy ngẫm này, chúng tôi sẽ cố gắng miêu tả sơ lược về cuộc đời và thời đại của Longchenpa, trong đó chúng tôi sẽ bổ sung thêm các chi tiết lịch sử từ những nguồn tài liệu có sẵn, bên cạnh những bản tiểu sử truyền thống đã được dịch.